Màn hình là một trong những linh kiện đắt nhất trong điện thoại, nhưng cũng là thành phần rất dễ bị hỏng hóc: vỡ, nứt hay chết cảm ứng. Nếu sơ ý để máy bị rơi vỡ, màn hình thường là linh kiện hỏng đầu tiên. Thậm chí trong trường hợp bạn đang sử dụng bình thường, màn hình cũng có thể bị hỏng, không hoạt động được.
ZenFone 4 vỡ màn hình nhưng vẫn dùng được, trong khi thay mất tới 1 triệu, vậy có nên thay hay không?
Chị Thảo, ở Mỹ Đình, Hà Nội dùng điện thoại Asus ZenFone 4 từ tháng Sáu. Trong một lần sơ ý, chị đã đánh rơi chiếc điện thoại này, khiến máy bị vỡ tấm kính bảo vệ màn hình bên ngoài nhưng vẫn cảm ứng được. Khi liên lạc với trung tâm bảo hành Asus, chị được biết giá thay màn hình cho chiếc điện thoại này là 1 triệu đồng. Chi phí này quá lớn, bằng một nửa giá mua điện thoại mới, nên chị rất băn khoăn không biết có nên thay màn hình hay không, nhất là khi màn hình cảm ứng vẫn dùng được.
Nhiều độc giả Phatlocmobile cũng có chung thắc mắc giống như chị Thảo. Khi màn hình đã hỏng, thường bạn sẽ phải thay nguyên cụm màn hình để dùng tiếp điện thoại. Tuy nhiên, đây là một bài toán "cân não" người dùng bởi chi phí thay màn hình bằng 1/3, thậm chí là bằng nửa giá tiền mua một chiếc điện thoại mới.
Vậy ngoài cách thay toàn bộ màn hình, bạn có cách nào khác để làm màn hình hoạt động trở lại không? Và có đáng để thay toàn bộ màn hình hay không? Bài viết của
Phatlocmobile hi vọng sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó.
Vì sao hỏng màn hình?
Có nhiều lý do khiến màn hình bị hỏng, cả khách quan lẫn chủ quan. Tai nạn thường gặp nhất đối với người dùng smartphone là đánh rơi điện thoại, từ đó có thể dẫn tới trầy xước, hoặc nứt vỡ màn hình. Chiếc điện thoại của bạn cũng có thể bị hư hại nếu để trong túi chung với nhiều vật dụng to, nặng, hoặc đặt dưới gối khi ngủ. Sức ép lên điện thoại có thể khiến cho màn hình bị nứt. Đôi khi chỉ một vết nứt rất nhẹ ở góc là đủ khiến màn hình hỏng, mất cảm ứng.
Rơi vỡ màn hình là tai nạn rất hay gặp với người dùng iPhone
Một trường hợp hỏng màn hình hay gặp khác là màn hình bị hỏng cảm ứng trong quá trình sử dụng, mặc dù không rơi vỡ gì. Thường thì trong trường hợp này chỉ có một phần màn hình không nhận cảm ứng, nhưng điều đó cũng đủ để gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng.
LG G2 xách tay là điện thoại hay gặp vấn đề liệt cảm ứng. Ảnh: Facebook Hội LG G2
Trường hợp này thường chỉ xảy ra với các loại máy xách tay, có xuất xứ không rõ ràng, có thể là hàng loại 2, loại 3 được nhập từ nước ngoài về. Các loại máy này có thể được ghép linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau, do đó chất lượng màn hình không được đảm bảo. Ngoài ra, việc sử dụng các loại sạc rởm, kém chất lượng cũng có thể dẫn tới tình trạng này.
Ngoài ra, còn một trường hợp hư hỏng màn hình khác có thể xảy ra ngay khi vừa mua máy, đó là lỗi điểm chết màn hình. Điểm chết là những điểm chỉ có thể hiển thị một màu sắc, thường là đen hoặc sáng trắng, chứ không thay đổi được theo nội dung.
Các sản phẩm điện tử luôn có một tỉ lệ hỏng hóc nhất định khi xuất xưởng, do vậy nếu… thiếu may mắn thì bạn có thể gặp phải một chiếc điện thoại có điểm chết trên màn hình ngay từ khi bóc hộp. Tuy nhiên tùy theo chính sách bảo hành của từng hãng, màn hình điện thoại phải có từ 3 – 5 điểm chết thì mới được đổi mới. Vì thế kể cả trong trường hợp mua điện thoại mới, chính hãng, bạn cũng nên kiểm tra kỹ trước khi nhận máy.
Xử lý màn hình đã hỏng như thế nào?
Màn hình điện thoại, đúng hơn là cụm màn hình, thường được cấu tạo từ ba thành phần: lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD. Trên hầu hết các smartphone hiện nay, cả 3 thành phần của màn hình (lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD) đều được gắn liền với nhau để tăng chất lượng quang học và giảm độ dày của cụm màn hình. Chính vì vậy, khi màn hình bị hỏng, cách xử lý tối ưu nhất là thay hoàn toàn màn hình. Mặc dù có trường hợp chỉ cần thay kính bảo vệ, đây cũng chỉ là cách xử lý tạm thời và thường không đảm bảo độ bền về lâu dài.
Dịch vụ thay kính iPhone nở rộ trong thời gian gần đây với những lời lẽ quảng cáo hào nhoáng. Có cửa hàng quảng cáo trang bị máy ép kính, và sử dụng các loại kính chất lượng cao để thay cho màn hình điện thoại, do đó chất lượng sẽ không thay đổi. So với phương án thay cả màn hình, giá thay mặt kính chỉ bằng khoảng một nửa. Ví dụ với iPhone 5/5s, giá thay một bộ mặt kính dao động từ 600.000 đến 1 triệu đồng, trong khi giá thay cả màn hình phải từ 1,5 đến 2 triệu. Đây là yếu tố khiến nhiều người cân nhắc liệu có nên thay cả màn hay chỉ cần thay kính.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại, thay mặt kính chỉ là phương án tạm thời, sau khi sử dụng khoảng 2 tháng chất lượng sẽ giảm đi rõ rệt. Không phải cửa hàng nào cũng có thể trang bị máy ép kính, và công đoạn phức tạp của việc này (tháo kính cũ, dán lớp cảm ứng để đặt lên kính mới và ép lại) nếu thực hiện không cẩn thận sẽ ảnh hưởng tới chất lượng màn hình.
Ngay cả khi lựa chọn thay toàn bộ màn hình, điều mà người dùng băn khoăn là liệu màn hình được thay có đúng là hàng "xịn", chất lượng hay không? Sau khi thay màn hình, liệu độ bền của máy có bị ảnh hưởng không? Đây là những thắc mắc rất hợp lý, khi tính tới chi phí thay màn hình đắt đỏ.